Mục lục
Vì sao nên dùng gừng và đường phèn trị ho?
Trong y học cổ truyền, gừng có tính ấm, vị cay, có tác dụng khử phong tán hàn, giữ ấm cơ thể, đào thải độc tố, chữa đau đầu, hạ sốt, làm tiêu đờm. Do đó, gừng thường được sử dụng trong các bài thuốc trị cảm cúm, cảm lạnh, giảm ho, giảm ngứa rát cổ họng.
Gừng được sử dụng trong các bài thuốc trị cảm cúm, cảm lạnh, giảm ho
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, gừng chứa nhiều chất có tác dụng tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch như zingiberol, capsaicin, zingiberene, methyl heptenone, borneol, … Chiết xuất từ gừng tươi hoặc cao khô gừng cũng được ứng dụng trong một số loại thuốc hoặc sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đường phèn không chỉ là một loại gia vị được sử dụng trong chế biến thực phẩm mà còn là một vị thuốc quý. Theo y học cổ truyền, đường phèn có tác dụng bổ trung ích khí, hòa vị nhuận phế. Với các trường hợp bị viêm đường hô hấp, đường phèn mang lại tác dụng giảm đau rát họng, trị ho, tiêu đờm. Với trẻ nhỏ bị ho và rát cổ, bố mẹ có thể cho bé ngậm 1 viên đường nhỏ để làm dịu cổ họng nhanh chóng.
Cả gừng và đường phèn đều mang lại tác dụng trị ho, giảm đau rát họng rất nhanh chóng. Khi kết hợp gừng với đường phèn cùng một số nguyên liệu khác thì hiệu quả trị ho sẽ được nâng cao.
Có thể bạn quan tâm:
- Top 5 cách trị ho khi nằm điều hòa hiệu quả nhất
- Những cách trị ho dân gian từ nguyên liệu có sẵn ngay trong bếp!
- Mách mẹ 4 cách trị ho cho trẻ không cần dùng thuốc!
Cách trị ho bằng gừng và đường phèn
Để giảm ho và đau họng mà không cần dùng tới thuốc tây, chúng ta có thể áp dụng một số cách trị ho bằng gừng và đường phèn sau đây!
Cách trị ho bằng lê chưng đường phèn và gừng
Lê có vị chua ngọt và mùi thơm nhẹ, giúp thanh nhiệt, tiêu đờm. Lê chưng cùng đường phèn và gừng có mùi vị rất hấp dẫn, bé dễ ăn và dễ hấp thu. Bố mẹ cũng có thể chưng lê cùng với táo đỏ hoặc xuyên bối để tăng thêm hiệu quả điều trị.
Lê chưng đường phèn và gừng
Cách làm lê chưng đường phèn và gừng: lê rửa sạch, gọt vỏ, cắt phần đầu quả để làm nắp, khoét bỏ lõi bên trong quả. Gừng rửa sạch, cạo bỏ vỏ và thái sợi. Dằm nhỏ phần ruột của lê, sau đó bỏ vào quả, thêm chút đường phèn, thêm gừng thái sợi, đậy nắp lại và chưng cách thủy trong 30 phút.
Khi lê đã nguội bớt thì cho bé ăn 2 – 3 lần mỗi ngày, có thể ăn hằng ngày cho tới khi các triệu chứng ho đã giảm hẳn. Món ăn này cũng có thể được sử dụng thường xuyên để tăng cường sức khỏe cho bé và phòng tránh các bệnh đường hô hấp.
Cách trị ho bằng gừng và đường phèn chưng cách thủy
Để làm gừng chưng đường phèn, chúng ta cần chuẩn bị 1 củ gừng tươi và 2 viên đường phèn. Gừng tươi cần được rửa sạch, cạo vỏ, thái sợi hoặc thái thành lát mỏng. Sau đó, cho gừng đã thái nhỏ và đường phèn vào bát, hấp cách thủy trong vòng 20 phút.
Gừng và đường phèn kết hợp với nhau mang tới hiệu quả trị ho tốt hơn
Khi nước gừng chưng đường phèn đã nguội bớt thì có thể được sử dụng để trị ho, mỗi lần dùng 1 thìa hoặc uống 1 ngụm, nuốt từ từ. Khi hỗn hợp nước gừng chưng đường phèn đi qua cổ họng, chúng ta sẽ thấy giảm ngay cảm giác ngứa rát họng.
Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, nên chọn gừng ta tươi, củ còn nguyên vẹn, không bị sâu, không bị dập nát.
Cách làm quất chưng đường phèn và gừng
Quất chưng đường phèn và gừng là món yêu thích của cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là với những người đang bị ho. Cách làm như sau:
– Quất chọn quả tươi, mọng nước, rửa sạch và ngâm nước muối trong vòng 30 phút.
– Vớt quất ra và để ráo nước, sau đó thái thành các lát mỏng, có thể bỏ hạt hoặc để cả hạt.
– Gừng rửa sạch, cạo vỏ và thái lát mỏng hoặc thái sợi.
– Cho quất, gừng và đường phèn vào bát sứ hoặc bát thủy tinh, hấp cách thủy trong vòng 20 phút cho các nguyên liệu chín kỹ và chuyển sang màu vàng cam.
Quất chưng đường phèn và gừng là món yêu thích của cả người lớn và trẻ nhỏ
Khi quất chưng đường phèn nguội bớt thì có thể sử dụng cho người bị ho. Mỗi ngày ăn từ 1 tới 2 lần. Mỗi lần lấy 2 thìa cà phê quất chưng ăn trực tiếp hoặc pha với nước ấm để uống. Ăn món này liên tục trong 3 – 5 ngày để giảm ho, rát họng. Đặc biệt, trước mỗi lần thay đổi thời tiết hoặc giao mùa, chúng ta cũng nên ăn quất chưng đường phèn và gừng để phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp.
Phần quất chưng đường phèn không dùng hết có thể được bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần trong 1 – 2 tuần.
Những cách trị ho bằng gừng và đường phèn kể trên đều đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, những bài thuốc này thường phát huy tác dụng tốt hơn với những trường hợp bị ho nhẹ hoặc bệnh viêm đường hô hấp ở giai đoạn đầu. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn thì nên kết hợp sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.